Ủy ban nhân dân xã Khánh Thịnh
Thứ sáu, ngày 17/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website xã Khánh Thịnh - Yên Mô - Ninh Bình

Thay đổi cuộc sống nhờ nguồn vốn chính sách

Thứ ba, 27/08/2019

Hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm, từng là hộ nghèo, vậy mà nhờ có 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách và sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Trần Văn Khánh và chị Nguyễn Thị Kiều Diễm (xóm 7, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) đã từng bước gây dựng và làm chủ một cơ sở sản xuất mũ có tiếng. Bình quân, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 5.000 chiếc mũ, doanh thu 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương.

Chị Diễm (bên trái) kiểm tra các chi tiết trước khi may hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Minh Đường

Thuộc thế hệ 8X, người Bắc, kẻ Nam, anh Khánh, chị Diễm gặp nhau khi cùng làm công nhân trong một xưởng may tại thành phố Hồ Chí Minh. Lúc yêu nhau chẳng nghĩ gì nhưng khi nên duyên vợ chồng và sinh con, anh chị mới nhận thấy cuộc sống thực sự khó khăn, xa nhà, đi làm thuê làm mướn tiền lương chẳng đủ trả tiền thuê nhà, gửi trẻ.

Anh chị quyết định khăn gói trở về quê anh (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) để lập nghiệp. Những ngày đầu, công việc không có, vốn liếng cũng không, ruộng đồng thì ít, gia đình nhỏ cứ luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo. May mắn thay, năm 2017, được Hội phụ nữ xã giúp đỡ hướng dẫn vay 50 triệu đồng vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng thêm với 50 triệu đồng vay mượn từ gia đình, bạn bè, anh chị quyết định mở một xưởng sản xuất mũ.

Nguyên vật liệu đặt mua từ trong Nam chuyển ra, máy móc thì anh cất công đi tới các công ty chuyên cung cấp máy móc, thiết bị ngành may có uy tín để chọn lựa. Riêng các công đoạn để sản xuất mũ thì anh chị nắm rõ như lòng bàn tay bởi trước đó 2 vợ chồng đã có một thời gian dài làm thuê cho các xưởng gia công. "Việc khó khăn nhất lúc bấy giờ là tìm mối để đổ hàng. Ban đầu mình phải may mẫu rồi mang chào hàng ở các chợ, các trường học, thuyết phục người ta bằng chất lượng, giá cả, dần dần các bạn hàng tăng lên, công việc phát triển, nhà xưởng được mở rộng", chị Diễm chia sẻ.

Các quy trình sản xuất từ tìm nguồn nguyên liệu phù hợp đến việc cắt mẫu, in, thêu logô, hình ảnh, sau đó lên chuyền sản xuất, may chỏm mũ, may kết, vành mũ, vào đai… và hoàn thiện sản phẩm đều được anh chị giám sát thực hiện hết sức bài bản, chặt chẽ. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo tính thẩm mỹ, sự tương đồng, chất lượng đi kèm giá cả hợp lý. Nhờ vậy, sản phẩm mũ lưỡi trai Trần Khánh luôn làm vừa lòng đa số khách hàng. Vào dịp cận kề khai giảng năm học mới, hoặc mùa du lịch, xưởng hoạt động hết công suất, có ngày làm tới 300 sản phẩm.

Được biết, hiện nay, anh Khánh, chị Diễm đã đầu tư mua sắm  khá đầy đủ các máy móc để khép kín quy trình sản xuất, bao gồm: máy may công nghiệp, máy in 3D, máy ủi, máy dập cúc, máy ép ke, ép mếch… Trung bình mỗi tháng xưởng làm ra khoảng 1.000 sản phẩm, doanh thu 100 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, hoặc làm theo đơn đặt hàng của các trường học, công ty lữ hành, các doanh nghiệp chạy chương trình quảng cáo.

Chỉ trong một thời gian ngắn (từ năm 2017), bằng sự quyết tâm, ý chí dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Khánh, chị Diễm đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, không những thế anh chị còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng.

 Hà Phương

 

Thông tin truy cập

Truy cập: 204226

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 522